Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Mắt trung ương (Hà Nội) có khoảng 200 người đến khám bệnh đau mắt đỏ. Nhiều trường hợp cả gia đình đều bị lây bệnh. Thời điểm này là đỉnh của dịch, hiện số bệnh nhân đau mắt đỏ chiếm gần 20% tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh về mắt.
Bệnh hay xuất hiện vào mùa lũ lụt, độ ẩm cao, khí hậu thất thường, đến tháng 11 gió mùa lại hết. Đây là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Có trường hợp tự chữa không đúng cách, bệnh có thể kéo dài hơn. Có người bị 10 ngày đến khám mà mắt vẫn đỏ. Điều trị cũng phải mất từ 1 đến 3 tuần mới khỏi.
Lây lan nhanh
Thời tiết ẩm ướt, vệ sinh kém là điều kiện thuận lợi cho bệnh đau mắt đỏ xuất hiện và lây lan. Bệnh phổ biến ở trẻ em, ở các khu vực nông thôn, thậm chí có gia đình cả nhà cùng đau mắt đỏ. Đa số bệnh nhân không biết mình bị đau mắt đỏ, chỉ nghi ngờ bụi bay vào mắt hay do dụi mắt nhiều. Đến khi bệnh trở nặng kèm theo sốt, đau họng, sưng hạch ở trước tai, mắt ngả màu đỏ, rỉ nước và ngứa ngáy khó chịu thì người dân mới đến bệnh viện.
Ở các tỉnh phía Nam, lượng bệnh nhi nhập viện vì đau mắt đỏ cũng không ngừng gia tăng. “Năm nào cũng vậy, mỗi khi con đến mùa tựu trường, tôi lại nơm nớp lo sợ. Hễ nghe con bảo trong lớp có bạn bị đau mắt là thể nào, vài hôm sau lại có thêm đứa khác bị. Hình như bệnh này nhìn nhau cũng lây!”, chị P.Thanh (Q.3, TP.HCM) lo lắng.
Theo các chuyên gia về bệnh nhiễm khuẩn, thời điểm tháng 8, tháng 9 cũng là đợt “vào mùa” của bệnh đau mắt đỏ. Bác sĩ Phạm Nguyên Huân, phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết bệnh đau mắt đỏ còn được gọi là bệnh viêm kết mạc cấp. Bệnh này do virút gây nên. Virút thường gặp là adenovirus chiếm 65-90% nguyên nhân của viêm kết mạc, ngoài ra có thể là enterovirus.
Bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua đường hô hấp, đồ dùng cá nhân như: Khăn mặt, chậu rửa mặt. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể do vi khuẩn, virus. Với những trường hợp đau mắt do virus, có thể lây qua nhiều đường nhưng đặc biệt nguy hiểm và nhanh nhất là lây qua hệ hô hấp. Bệnh nhân bị đau mắt đỏ có thể kèm theo hiện tượng viêm họng hạch hoặc đôi khi có hạch ở tay.
Người đau mắt đỏ có thể lây bệnh cho người khác ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng, việc lây bệnh diễn ra ở thời kỳ ủ bệnh. Ngay khi bệnh nhân đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.
Đeo kính râm không loại trừ hết nguy cơ lây bệnh mà chỉ giảm thiểu khả năng lây bệnh. Nếu đeo kính nhưng vẫn dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt thì khả năng lây bệnh là rất lớn.
Đau mắt đỏ lây truyền qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi; qua đồ dùng cá nhân, khăn tay; qua nước bị nhiễm khuẩn (nước hồ bơi). Vì thế, bệnh dễ lây ở trẻ em học cùng trường hoặc người sống cùng một nhà.
Cẩn trọng không thừa
Các chuyên gia khuyến cáo: Khi thấy có dấu hiệu nóng rát mắt, đau, cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nhẹ, người dân nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị đúng cách, tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị, nhằm tránh biến chứng.
Bệnh do virus nên có thể tự khỏi trong vòng 7-10 ngày, dù không điều trị, nhưng phải luôn giữ mắt sạch sẽ, không bị bụi bẩn, không dụi mắt, không xem tivi, đọc sách báo, chơi máy tính. Việc giữ vệ sinh quyết định tới 70% hiệu quả điều trị và nếu giữ gìn tốt, bệnh có thể khỏi trong vòng 3-4 ngày. Tuy nhiên, có khi phải mất từ 1 đến 3 tuần bệnh mới khỏi, nên bệnh nhân và các bậc cha mẹ không nên sốt ruột.
Theo các bác sĩ chuyên ngành, virus gây bệnh đau mắt đỏ lây qua đường tiếp xúc, nên người bị đau mắt nên nghỉ học, nghỉ làm, tránh tiếp xúc gần với mọi người và dùng riêng đồ dùng cá nhân, bát đũa ăn cơm. Nếu giữ vệ sinh không tốt, bệnh có thể biến chứng viêm giác mạc, để lại sẹo giác mạc, giảm thị lực dẫn đến mù lòa. Đã có bệnh nhân đau mắt đỏ không đến cơ sở y tế mà tự ý mua thuốc về nhỏ dài ngày, bị biến chứng thành thiên đầu thống.
Các loại thuốc chữa đau mắt đỏ hiệu quả như Clodexa, Nemydexa, Dexaclor, Polydexa… đều phải được sử dụng đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Vì có chất gây giảm miễn dịch mắt, nên nếu dùng liều cao, nhiều ngày có thể gây tăng nhãn áp, dẫn đến mù lòa. Những người đã khỏi bệnh vẫn có thể tiếp tục mắc, vì tuýp virus gây bệnh miễn dịch chỉ khoảng hai tháng, nên có người mắc 2 lần trong một đợt dịch.
Khuyến cáo của bác sĩ để phòng, chữa bệnh
– Sau khi tự tra thuốc cần rửa tay ngay bằng nước sạch và dung dịch sát khuẩn. Cần vệ sinh tay sạch sẽ, chủ động làm sạch mắt bằng nước muối sinh lý để phòng bệnh lây lan.
– Không dùng chung nhau lọ nhỏ mắt để tránh lây bệnh qua đầu nhỏ thuốc.
– Týp virus gây bệnh có thời gian miễn dịch rất ngắn, trong vòng hai tháng. Vì thế, có người mắc bệnh đến 2 lần trong một đợt dịch. Khi thấy có biểu hiện của bệnh như nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nhẹ…, người dân nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và được điều trị, dùng thuốc đúng cách.
– Một số cách xử lý sai khi bị đau mắt đỏ là tự ý dùng kháng sinh hoặc mua thuốc chứa corticoid về nhỏ mà không biết dùng nhiều có thể gây suy giảm miễn dịch, khiến thời gian điều trị lâu hơn.
Bệnh nhân đau mắt đỏ chưa đến mức phải dùng corticoid, nếu lạm dụng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù mắt.
“Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng nhìn nhau sẽ lây bệnh đau mắt đỏ nhưng thực tế nhìn nhau không thể lây được bệnh. Tương tự, nhiều người còn rỉ tai nhau có loại thuốc nhỏ mắt ngừa sự lây lan của bệnh song đến nay chưa có loại thuốc nhỏ mắt nào làm được điều này”